tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa năm 2025.
Tập huấn cho nông dân về kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa năm 2025
Để nâng cao kiến
thức khoa học kỹ thuật thâm canh sản xuất cây lúa, UBND xã Thịnh Thành phối hợp
với Trung tâm khuyến nông tỉnh Nghệ An tổ chức tập huấn cho nông dân về kỹ thuật
thâm canh sản xuất lúa năm 2025.
Thời gian tập
huấn 1,5 ngày bắt đầu từ 7h30 ngày 04/04/2025. Thành phần tham gia lớp tập huấn
gồm: Các hộ nông dân sản xuất lúa tiêu biểu (Các hộ này chưa được tập huấn
chương trình đất lúa các năm trước). Tổng số thành viên tham gia lớp học 50 người.
Tại lớp tập huấn,
giảng viên đã truyền tải các nội dung cụ thể như sau:
1. Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng
cao và phát thải thấp:
1.1. Cách làm đất:
Hàng năm phải
cày và phơi ải; Vệ sinh đồng ruộng, không đốt các thảm thực vật, tàn dư cây trồng
trong quá trình làm tất trừ trường hợp tan dư cây trồng bị sinh vật gây hại phải
thu gom, tiêu hủy; Làm đất cho ruộng cấy cần mặt ruộng phẳng, ruộng để lắng bùn
1- 2 ngày. Nếu gieo thì cần làm đất xong, san phẳng, rút nước từ 6-12 giờ sau
đó tiến hành gieo.
1.2. Chuẩn bị giống:
Phải sử dụng
giống xác nhận, được phép lưu hành, nằm trong Kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh,
huyện, xã.
1.3. Kỹ thuật cấy, gieo thẳng và chăm sóc:
- Thời vụ:
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp
- Mật độ cấy:
Tùy thuộc vào chân đất, thời vụ cấy, giống, phương pháp cấy để có mật độ cấy
phù hợp;
- Kỹ thuật cấy:
Cấy mạ non 2-3 lá, cấy 1-2 dảnh/ khóm, 30-35 khóm/m2 cho giống đẻ khỏe, đất
giàu dinh dưỡng. Giống đẻ kém, đất nghèo dinh dưỡng cấy 35-40 khóm/m2.
- Kỹ thuật
gieo thẳng: Lúa gieo thẳng có thời gian sinh trưởng rút ngắn 7-10 ngày so với
lúa cấy. Tiến hành gieo khi rễ mầm dài bằng 1/3-1/2 hạt thóc. Nên chia đều lượng
hạt giống theo từng luống nhỏ trên ruộng, mỗi luống nên gieo 2 lần để đảm bảo độ
đòng đều hạt trên ruộng.
1.4. Kỹ thuật bón phân (Tính cho 1 sào):
- Bón
lót (Bón khi cấy): vôi bột 20-25 kg,
Phân chuồng 500kg, thúc lót bằng phân hỗn hợp NPK (16:16:8) bón 12 đến 14 kg ; Đối với phân đơn thì bón 2-3
kg Đạm U rê và 20-25 kg Lân.
- Bón
thúc lần 1 (Bón khi bắt đầu đẻ nhánh): thúc bằng phân hỗn hợp NPK (15:5:20) bón 6 đến 8 kg và bón thêm 1-2 kg đạm U rê; Đối với phân đơn thì bón 5- 6 kg
Đạm U rê và 3-4 kg kaly.
- Bón
thúc lần 2 (Bón khi lúa phân hóa đòng): thúc bằng phân hỗn hợp NPK (15:5:20) bón 5 đến 6 kg và 2-3 kg Kali; Đối với phân đơn thì bón 1-2 kg Đạm
U rê và 4-5 kg kaly .
1.5. Kỹ thuật chăm sóc và điều tiết nước ở
ruộng lúa
- Chăm sóc: Tổ
chức chăm dặm kịp thời khi lúa bắt đầu bén rễ hồi xanh.
- Điều tiết nước:
Giai đoạn từ khi cấy đến bén rễ hồi xanh phải duy trì mực nước từ 3-5 cm trên ruộng. Giai đoạn lúa đẻ nhánh duy trì mực nước trong ruộng từ
1-3cm, tuyệt đối không để ruộng bị khô hạn hay ngập úng kéo dài. Giai đoạn lúa
làm đòng trổ bông duy trì mực nước trong ruộng từ 3-5 cm, khi lúa chín đỏ đuôi
rút nước phơi ruộng trước khi thu hoạch.
2. Phòng trừ sâu bệnh và một số đối tượng hại
chính trên cây lúa.
2.1. Một số bệnh hại chính trên cây lúa:
- Bệnh đạo ôn
(Do nấm): Chọn giống kháng hoặc giống ít nhiễm; Vệ sinh đồng ruộng, đốt tàn dư
sau khi thu hoạch, cày vùi; sử dụng phân bón cân đối hợp lý; Giữ nước thường
xuyên cho ruộng lúa nhất là khi có dịch bệnh. Theo dõi diễn biến của bệnh, khi
phát sinh nên cho thêm nước vào ruộng, ngưng bón phân đạm, không phun phân bón
lá và thuốc kích thích sinh trưởng, phun các loại đặc trị bệnh như: Beam 75WP,
Filia 525 SE, Angte 75 WP, Bankan 600WP..
- Bệnh khô vằn
(Do nấm): Cấy mật độ thích hợp; Bón phân cân đối và bón thúc sớm. Từ giai đoạn
lúa làm đòng trở đi nếu có 10% số dảnh bị nhiễm bệnh trở lên cần giữ đủ nước
trên ruộng và dùng một trong các loại thuốc có các hoạt chất: Validacin 3-5L,
Vida 5 WP, Anvil 5SC, pha theo liều hướng dẫn, phun đều vào phần thân, gốc lúa.
- Bệnh bạc lá,
đốm sọc (do vi khuẩn nấm gây nên): Thường xuyên xẩy ra ở giai đoạn sau khi lúa
trổ, ruộng bón thừa đạm, lúa tốt gặp các đợt gió lốc làm lá cháy khô ở 2 viền
và chóp lá, làm giảm năng suất rất lớn. Khi phát hiện bệnh phun nước vôi trong
để hạn chế bệnh lây lan. Sau đó phun thuốc
đặc trị vi khuẩn Xanthomix 20 WP, Total 200WP … phun lại lần 2 cách 7-10 ngày
khi bệnh có tỷ lệ 3-5%.
2.2. Một số sâu hại chính trên lúa:
- Rầy các loại:
Dùng các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất thấm sâu, lưu dẫn như Chess 50WG,
Actara 25 WG, Sutin 50 SC.
- Sâu cuốn lá
nhỏ: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi có mật độ sâu: đối với giai đoạng để
nhánh 35 con/m2, đối với giai đoạn làm
đòng 15 con/m2. Bằng các loại thuốc hóa hoạch có hoạt chất như Etofenprox, Abamectin,
… theo liều lượng khuyến cáo ngoài bao bì.
- Sâu đục thân
lúa bướm 2 chấm: Điều kiện thuận lợi
phát triển nhiệt đồ từ 26- 30 độ C, thời gian phát dục của trứng là 7 ngày, sâu non từ 25-33 ngày, nhộng từ
8-10 ngày, bướm vũ hóa đẻ trứng 3 ngày. Sâu đục thân bướm hai chấm phá hoại nạng
trên lúa mùa hơn lúa xuân. Khi mật độ ổ
trứng từ 0,5-0,7 ổ/m2 đối với lúa đẻ
nhánh hoạch 0,2-0,3 ổ trứng /m2 đối với lúa trổ bông cần phòng trừ bằng thuốc
hóa học có hoạt chất như: Cartap; Abamectin…. Liều lượng theo khuyến cáo trên
bao bì.
3. Thực hành ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm
sinh học:
Nhằm tăng cường
hệ sinh vật có ích, phân giải nhanh các chất thải trong chăn nuôi và phế phụ phẩm
nông nghiệp thành chất dinh dưỡng dễ hấp thu cho cây trồng, giúp cây trồng sinh
trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại. Ủ phân bằng chế phẩm sinh học các
nguyên liệu ủ nhanh hoai và chất lượng phân được đảm bảo, cung cấp phân bón hữu
cơ kịp thời cho vụ sản xuất. Tận dụng các loại chất thải trong chăn nuôi và phế
phụ phẩm nông nghiệp tạo ra lượng hữu cơ có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh
tế và cải tạo đất, giữ gìn chất đất trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời khử
mùi hôi, giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi.
Trong quá trình tập huấn mặc dù thời gian ngắn,
lượng kiến thức cần trao đổi nhiều nhưng giảng viên đã truyền đạt những nội
dung sát với thực tế, dễ hiểu, đễ áp dụng. Các các ông (bà) đã tham gia tập huấn
đầy đủ, nghiêm túc, đúng thời gian quy định, chú ý lắng nghe và đã mạnh dạn đặt
câu hỏi với giảng viên những vấn đề mình còn băn khoăn, chưa rõ và đã được giảng
viên nhiệt tình giảng giải./.
Nguồn ban nông Nghiệp
Một số hình ảnh
